I. Đơn chất
1. Đơn chất là gì ?
Đơn chất là những chất được tạo nên từ một nguyên tố hóa học.
Chúng ta đã làm quen được với nhiều chất trước đó rồi đúng không các em và thầy sẽ có một vài chất rất điển hình như khí hidro, lưu huỳnh . . . Một vài kim loại như sắt, đồng, kẽm, chì, nhôm . . . đều được tạo nên từ các nguyên tố hóa học tương tứng là H, S . . . Fe, Cu, Zn, Pb, Al và chúng được các nhà hóa học phân vào loại đơn chất các em ạ.
Cách gọi tên của đơn chất là gì ?
Cách gọi tên của đơn chất cũng rất đơn giản nhé vì thường tên của đơn chất sẽ ứng với tên của nguyên tố tạo nên chất đó luôn, trừ một số ít trường hợp thì không phải và sau này các em sẽ được tiếp xúc sau. Một số nguyên tố có thể tạo nên 2,3 . . . dạng đơn chất như nguyên tố cacbon tạo nên than bao gồm các loại than khác nhau: than chì, than muội, than xương, than đá, than gỗ . . .) và cả kim cương.
Trong những bài trước, chúng ta cũng đã biết rằng những kim loại như đồng, sắt, nhôm . . . đều có ánh kim, đều dẫn điện dẫn nhiệt rất tốt thì chúng ta sẽ xếp chúng vào một nhóm là kim loại có những tính chất vật lý chung với nhau. Còn những đơn chất khác như lưu huỳnh, hidro . . . không có tính chất như vậy thì chúng được gọi là đơn chất phi kim.
Như vậy, để phân biệt giữa đơn chất kim loại và đơn chất phi kim chúng ta dựa vào đặc điểm tính chất vật lý.
2. Đặc điểm cấu tạo
Trong đơn chất kim loại các nguyên tử được sắp xếp khít với nhau và theo một trật tự xác định nhưng trong đơn chất phi kim các nguyên tử thường liên kết với nhau theo một số nhất định và thường là 2 nguyên tử liên kết với nhau.
II – Hợp Chất
1. Hợp chất là gì ?
Hợp chất là những chất được tạo nên từ hai nguyên tố hóa học trở lên
Trong quá trình học tập của chúng ta thường gặp rất nhiều hợp chất khác nhau. Một ví dụ điển hình đó chính là nước được tạo nên từ hai nguyên tố hóa học là oxy và hidro, muối ăn (Natri clorua) có công thức hóa học là NaCl và nó được tạo nên bởi 2 nguyên tố hóa học là Natri và Clo, axit sunfuric có công thức hóa học là H2SO4 được tạo nên từ 3 nguyên tố hóa học là hidro, lưu huỳnh và oxy . . . thì những chất như thầy đã kể trên người ta gọi là Hợp Chất.
Trong hợp chất, chúng ta tiếp tục phân chia thành hợp chất vô cơ và hợp chất hữu cơ. Tuy nhiên, Các hợp chất hữu cơ là một lớp lớn của các hợp chất hóa học mà các phân tử của chúng có chứa cacbon trừ một số cacbua, cacbonat, cacbon ôxít (mônôxít và điôxít),xyanua. Phần hữu cơ chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn trong chương trình hóa học lớp 9.
2. Đặc điểm cấu tạo
Trong một hợp chất các nguyên tử liên kết với nhau theo một trật tự nhất định và theo một tỷ lệ cố định.
Điều này chúng ta có thể hiểu là trong một phân tử thì số nguyên tử là cố định không thể thay đổi được thầy lấy ví dụ phân tử nước [H2O] được tạo nên bởi 2 nguyên tố là hidro và 1 nguyên tố oxy. Số lượng nguyên tở oxy và hidro không thể thay đổi và nếu như có sự thay đổi như tăng thêm số lượng oxy thì khi đó chúng ta đang hiểu nó là chất khác [H2O2] mà sẽ không còn phải là nước nữa.
Về trật tự liên kết trong phân tử nước có góc liên kết là 104,45° và góc liên kết này sẽ không thay đổi nhiều tạo nên đặc điểm cấu tạo của nước mà chúng ta có thể so sánh với những chất khác.
III – Phân tử
1. Phân tử là gì ?
Phân tử là hạt đại diện cho chất, gồm một số nguyên tử liên kết với nhau và thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất đó.
Như trước đây chúng ta đã tìm hiểu thì khí hidro và khí oxy hợp thành đều gồm 2 nguyên tử cùng loại liên kết với nhau, nước có các hạt hợp thành gồm 2 nguyên tử hidro và 1 nguyên tử oxy, muối ăn hợp thành bởi Natri và Clo theo tỷ lệ 1:1 thì các hạt hợp thành của một chất thì đồng nhất như nhau về thành phần và hình dạng. Tính chất hóa học của chất đó sẽ bao gồm tính chất của từng hạt. Mỗi hạt thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất là đạo diện cho chất về hóa học và chúng được gọi là phân tử.
Với đơn chất kim loại thì nguyên tử chính là hạt hợp thành và có vai trò như phân tử.
2. Phân tử khối
Cũng như nguyên tử khối, phân tử khối là khối lượng của một phân tử tính bằng đơn vị cacbon
Phân tử khối của một chất bằng tổng nguyên tử khối của các nguyên tử trong phân tử chất đó. Thí dụ, phân tử khối của õi bằng 2×16 = 32 đvC, phân tử khối của nước bằng 2×1+16×1 = 18đvC.
IV – Trạng thái của chất
Trên thực tế mỗi mẫu chất là tập hợp vô cùng lớn những nguyên tử như đơn chất kim loại hay những phân tử như các hợp chất.
tùy vào từng điều kiện về nhiệt độ, áp suất mà sẽ có những trạng thái khác nhau như rắn lỏng hay khí.
Khi ở trạng thái rắn, các nguyên tử sắp xếp khít với nhau và chúng dao động tại chỗ, ở trạng thái lỏng các hạt ở sát gần nhau và chuyển động trượt lên nhau, còn ở trạng thái khí các hạt xa nhau và chuyển động nhanh hơn về nhiều phía khác nhau.
Ghi nhớ
– Đơn chất là những chất tạo nên từ một nguyên tố hóa học |
– Hợp chất là những chất tạo nên từ hai nguyên tố hóa học trở lên |
– Phân tử là hạt đại diện cho chất, gồm một số nguyên tử liên kết với nhau và thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất |
– Phân tử khối là khối lượng của một phân tử tính bằng đơn vị cacbon, bằng tổng nguyên tử khối của các nguyên tử trong phân tử |
– Mỗi mẫu chất là một tập hợp vô cùng lớn những hạt là phân tử hay nguyên tử. tùy điều kiện, một chất có thể ở ba trạng thái là rắn lỏng và khí. Trạng thái khí, các phân tử ở xa nhau và chuyển động hỗn loạn. |
Một số dạng bài tập đơn chất – hợp chất và phân tử
Để giải một số câu hỏi, bài tập liên quan tới phần này mong các em nhớ kĩ lí thuyết mình đã học ở bên trên nhé. Những câu hỏi cũng không quá khó nhưng chúng ta phải biết thì mới có thể và làm dễ dàng được.
Câu hỏi số 01:
Từ một nguyên tố hóa học có thể tạo nên bao nhiêu đơn chất ?
A. Chỉ một đơn chất.
B. Chỉ hai đơn chất.
C. Chỉ ba đơn chất.
D. Tùy thuộc vào tính chất của nguyên tố hóa học đó.
Trả lời:
Để giải được bài tập này thì các em cần nắm được khái niệm của nguyên tố hóa học, hiểu biết được đơn chất là gì ?
Nguyên tố hóa học là gì ?
Nguyên tố hóa học là tập hợp nguyên tử cùng loại có cùng số proton trong hạt nhân.
Đơn chất là gì ?
Đơn chất là chất được tạo nên từ một hay nhiều nguyên tử cùng loại có cùng số proton trong hạt nhân. Một hay nhiều nguyên tử cùng loại có cùng số proton trong hạt nhân đó cũng chính là khái niệm của nguyên tố hóa học.
Do vậy, đơn chất được tạo nên bởi 1 nguyên tố hóa học và ngược lại một nguyên tố hóa học có thể tạo nên một đơn chất chính là nó mà thôi.
Tác giả: TC – Chemistry, TC-Chemistry
Với đam mê truyền đạt và chia sẻ những kiến thức hóa học hữu ích với mọi người, TC Chemistry không chỉ giới hạn việc chia sẻ kiến thức hóa học từ cơ bản đến nâng cao, mà còn cung cấp câu hỏi, đề thi thử và phương trình phản ứng hóa học để giúp người đọc hiểu sâu về chủ đề và phát triển kỹ năng trong lĩnh vực này.