I – Tính chất hóa học của Oxit
Oxit được phân chia thành 4 loại: Oxit bazơ, Oxit axit, Oxit lưỡng tính và Oxit trung tính.
Như vậy, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về tính chất hóa học của 4 loại oxit trên. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới hai loại oxit bazơ và oxit axit là kiến thức chủ đạo trong bài viết này.
1. Tính chất hóa học của Oxit Bazơ
Trong chuyên mục tính chất của Oxit Bazơ tôi sẽ nêu lên ba tính chất hóa học nổi bật nhất của Oxit Bazơ là:
– Oxit Bazơ tác dụng với nước
– Oxit Bazơ tác dụng với axit
– Oxit Bazơ tác dụng với oxit axit
a. Oxit Bazơ tác dụng với nước.
Một số Oxit Bazơ có thể tác dụng với nước ở điều kiện thường tại thành dung dịch Bazơ. Ở đây các em lưu ý từ “Một Số” vì sẽ có những Oxit Bazơ không tác dụng với nước ở điều kiện thường nhưng sẽ tác dụng với nước ở điều kiện nào đó như nhiệt độ cao, chất xúc tác . . . và sẽ có những Oxit Bazơ không tác dụng với nước ở bất kì điều kiện nào cả.
Những Oxit Bazơ có thể tác dụng với nước ở nhiệt độ thường mà các em cần nhớ là:
– Oxit Bazơ thuộc kim loại nhóm IA: Na, K
– Oxit Bazơ thuộc kim loại nhóm IIA: Ba, Ca
Phương trình phản ứng của những Oxit Bazơ khi tác dụng với nước như sau:
1. Na2O + H2O → 2NaOH
2. K2O + H2O → 2KOH
3. BaO + H2O → Ba(OH)2
4. CaO + H2O → Ca(OH)2
Trong phản ứng 1,2,3 có thể các em ít gặp nhưng phản ứng số 4 chắc sẽ có nhiều em gặp hơn vì đó chính là phản ứng tôi vôi khi cho vôi sống vào trong nước.
Kết luận: Một số oxit bazơ tác dụng với nước ở điều kiện thường tại thành dung dịch bazơ gọi là dung dịch kiềm nếu đó là hidroxit của kim loại nhóm IA hoặc dung dịch kiềm thổ nếu đó là hidroxit của kim loại nhóm IIA.
b. Oxit Bazơ tác dụng với axit
Oxit Bazơ tác dụng với axit ở đây chúng tôi muốn nói nhiều đến Oxit Bazơ tác dụng với dung dịch axit ở điều kiện thường hoặc một số điều kiện phúc tạp hơn như cần thêm nhiệt độ hoặc chất xúc tác.
Để hiểu rõ hơn, các em hãy đọc qua thí nghiệm và quan sát hình ảnh bên dưới đây
Thí nghiệm hóa học: Cho vào ống nghiệm một ít bột CuO có màu đen, thêm 1-2 ml dung dịch HCl vào, lắc nhẹ.
Quan sát hiện tượng: Bột CuO màu đen dần dần bị hòa tan tạo thành một dung dịch khác có màu xanh lam.
Nhận xét:
– Khi thực hiện thí nghiệm có sự thay đổi trạng thái của CuO từ chất rắn thành chất tan trong dung dịch axit
– Màu sắc của các chất trước và sau phản ứng có sự thay đổi từ đen → dung dịch xanh lam hay nói cách khác đây chính là sự biến đổi CuO → CuCl2 (Đồng (II) Clorua)
Phương trình hóa học: CuO + 2HCl → CuCl2 + H2O
Hình ảnh mô phỏng thí nghiệm hóa học:
Một số oxit khác các em cũng có thể viết phương trình hóa học tương tự như Fe2O3, FeO, MgO, Al2O3, ZnO, K2O . . .
Hãy dừng lại một chút và thực hiện phương trình phản ứng với những chất thầy nêu trên ra giấy nháp của mình ngay và luôn nhé.
c. Oxit bazơ tác dụng với Oxit axit
Trên thực tế, chúng ta có thể quan sát được nhiều những hiện tương liên quan tới hóa học mà thuộc phân loại tính chất hóa học oxit ba zơ tác dụng với oxit axit.
Một tronh những hiện tượng được nhiều người biết đến đó chính là để một cục vôi sống ngoài trời sau một thời gian thấy cục vôi chuyển từ màu trắc sữa sang màu trắng ngà ngà và cho vào nước thì không thấy tan nữa.
Chúng ta có thể hiểu được hiện tượng trên chính là một hiện tượng hóa học mà tại đó CaO (Vôi sống) tác dụng với một oxit axit là CO2 có rất nhiều trong không khí thành đá vôi CaCO3. Chính CaCO3 chúng ta khi hòa vào nước sẽ không tan.
Ngoài ra, còn một số oxit bazơ tác dụng với oxit axit tạo thành muối như: Na2O, K2O, BaO . . .
Kết luận: Một số oxit bazơ tác dụng với oxit axit tạo thành muối.
2. Tính chất hóa học của Oxit axit
a. Oxit axit tác dụng với nước
Điphotpho Pentaoxit tác dụng với nước tạo thành dung dịch axit photphoric với mô tả thí nghiệm như sau:
Cho 100 ml nước tinh khiết vào một ống nghiệm. Sau đó, cho 50 gam chất rắn P2O5 vào ống nghiệm rồi lắc đều cho đến khi chất rắn tan hết hoặc không tan được nữa thì dừng lại.
Như vậy, sau quá trình trên chúng ta đã thu được dung dịch có chứa axit photphoric.
Phương trình phản ứng như sau: P2O5 + H2O → H3PO4
Làm thí nghiệm với nhiều oxit axit khác như SO2, SO3, N2O5 . . . ta cũng thu được dung dịch axit.
Kết luận: Nhiều oxit axit tác dụng với nước tạo thành dung dịch axit.
b. Tác dụng với bazơ
Chúng ta có thể quan sát được phản ứng của oxit axit cacbon đioxit (CO2) với dung dịch bazơ như Ca(OH)2 tạo thành muối không tan là canxi cacbonat (CaCO3)
Phương trình phản ứng: CO2 + Ca(OH)2 → CaCO3 + H2O
C. Tác dụng với oxit bazơ
Cũng giống như oxit bazơ tác dụng với oxit axit. Các em có thể xem tiếp phần trên.
II – Khái quát về phân loại oxit.
Như bài viết giới thiệu về chương 1 hóa học lớp 9 tôi đã có giới thiệu tới các em về cách phân loại oxit và giới thiệu cũng rất đầy đủ về mỗi loại oxit rồi. Các em có thể đọc bài viết các loại hợp chất vô cơ để được chi tiết hơn.
Trong thực nghiệm và căn cứ vào tính chất hóa học của oxit mà người ta chia oxit thành 4 nhóm chính như sau:
– Oxit bazơ là những oxit tác dụng với dung dịch axit tạo thành muối và nước.
– Oxit axit là những oxit tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành muối và nước.
– Oxit lưỡng tính là những oxit tác dụng với dung dịch bazơ và tác dụng với dung dịch axit tạo thành muối và nước.
Trong chương trình hóa học cơ sở lớp 8 và lớp 9 các em cần nhớ hai oxit lưỡng tính là Al2O3 và ZnO.
– Oxit trung tính còn có cách gọi khác là oxit không tạo muối chúng chính là những oxit không tác dụng với axit, bazơ ví dụ như CO, NO . . .
Tác giả: – Chemistry – TC, TC-Chemistry
Với đam mê truyền đạt và chia sẻ những kiến thức hóa học hữu ích với mọi người, TC Chemistry không chỉ giới hạn việc chia sẻ kiến thức hóa học từ cơ bản đến nâng cao, mà còn cung cấp câu hỏi, đề thi thử và phương trình phản ứng hóa học để giúp người đọc hiểu sâu về chủ đề và phát triển kỹ năng trong lĩnh vực này.